Chuyện điện nước
Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016
Tôi rất thích một bài hát thuộc dòng Classic Disney tên là “I wanna be like you”. Đây là bài hát mà con khỉ đột đầu đàn, khi nó bắt cậu bé rừng xanh Mowgli về, nó hát để năn nỉ và dọa dẫm cậu bé, rằng nó đã lên đến đỉnh cao danh vọng của loài khỉ rồi, nó là VIP của rừng rậm rồi, còn bây giờ nó muốn được giống như con người, nó muốn bỏ rừng vào thành phố. Bởi nó: “I’m tired of monkeyin’ around”.
Không rõ trong những người Việt đang bỏ xứ mà đi (định cư) nơi khác, có bao nhiêu người đi vì tự mình chán cái cảnh có một lũ (trong đó có bản thân mình) đang monkeying (làm trò khỉ) vòng quanh, bao nhiêu người ra đi vì không muốn con cái mình tham gia vào cái vòng quay khỉ đột ấy.
Còn những người vẫn hằng ngày đổ mồ hôi kiếm ăn ở mảnh đất này, có ai dũng cảm trong im lặng thoát khỏi các kiếp nạn làm khỉ kiểu “Đền Hùng thất thủ”.
Tôi mới đọc Crippled America của Donald Trump. Trong sách có chỗ Trump nói về quyền công dân (citizenship) của người Mỹ (còn ta quen gọi là lấy quốc tịch Hoa Kỳ). Trump nói cần phải chấm dứt những Anchor Baby, là những đứa trẻ mà bà mẹ (Tàu) khi có bầu bay qua Mỹ sinh con rồi bay về, cốt để những đứa trẻ ấy sau này có quốc tịch Mỹ. Trump ủng hộ những người dân nhập cư, nhưng phải là những người tốt, tài giỏi, chăm chỉ lao động; những người đến Mỹ để theo đuổi ước mơ, thay đổi cuộc đời. Trump không muốn “anchor baby” và nhập cư lậu. Trump giải thích quyền công dân được trao cho những người sinh ra ở Mỹ, có nguồn gốc lịch sử, là để trao quyền công dân cho những người nô lệ, sinh ra ở Mỹ, mà bị dân da trắng hắt ra bên lề; chứ không phải để lợi dụng quyền này để có quốc tịch Mỹ.
Hồi lâu lâu tôi có đọc một bài báo thấy gia đình Clinton, sau khi ông chồng hết làm tổng thống, được xếp (giai tầng) vào hạng upper-middle-class. Tức là chưa được xếp vào thượng lưu. Mà upper-middle-class cũng rất ít, chưa tới (hình như là) 5% dân số Mỹ.
Mới ngồi lẩn thẩn nghĩ ở Việt Nam thì ra sao. Ở miền bắc ngày xưa hay có cách nói “công dân hạng A”. Chắc là do ảnh hưởng cách nói của Liên Xô: “Anh này là công dân hạng A.”
Các vị trong BCT, tôi xếp vào hạng A+. Tức là cao nhất, cái gì cũng có, muốn gì được nấy. Hạng này siêu ít, cả nước chưa tới 20 người. Còn các hạng dưới thì sao.
Lâu rồi tôi không nhớ cách mình xếp hạng, chỉ nhớ là khá phức tạp. Ví dụ một đại gia buôn vải ở Soái Kình Lâm, rất có uy tín trong lĩnh vực của mình, có nhiều tiền, mua gì cũng được. Nhưng nếu đại gia ấy nằm ngoài các quan hệ chính quyền, thì dù đi xin học cho con, hay vào bệnh viện, hay đến những nơi dịch vụ công , … họ cũng sẽ chả là cái gì cả. Cách duy nhất họ có thể có một chút ưu đãi cho mình là vung tiền ra đút. Nhưng không phải lúc nào, chỗ nào cũng đút được.
Trong khi đó một vị cỡ trưởng quận, họ oách hơn nhiều. Dù chỉ là công chức. Các vị cỡ trưởng quận hồi đó tôi xếp vào công dân hạng B+.
Một ví dụ khác, giả sử như anh Ngô Bảo Châu mà ở trong nước, theo xếp hạng này, chắc chỉ nằm ở hạng B. Tức là dù rất giỏi và danh tiếng, nếu anh đi xin học cho con, anh phải nhờ vả tứ lung tung mới được. Mà phần nhiều là nhờ các công dân hạng B+ trở lên. Hay anh Thành Việt, giải Pulitzer đấy, nếu ở Việt Nam, anh còn ở dưới hạng B khá xa và chưa chắc anh đã sáng tác nổi một truyện ngắn.
Còn như tôi, chắc cỡ C hoặc C-.
Có người lên báo hỏi: “Đi định cư nước ngoài cả, thì đất nước này ai xây dựng đây”.
Ngày trước khi còn ít tuổi, tôi hay có cảm xúc rất sến mỗi khi một ngôi chùa cổ bị đập đi để …trùng tu cho đẹp, một thắng cảnh thiên nhiên bị tàn phá, một công trình có giá trị lịch sử và kiến trúc bị đập đi để xây cái mới hơn và xấu hơn. Cảm xúc đại khái là tiếc nuối, đau xót, bức xúc v.vv.
Tôi có một cô bạn học kiến trúc hay dẫn tôi đi xem các tòa nhà ở trung tâm Sài Gòn. Nhờ cô ấy mà tôi thích một tòa nhà có mặt tiền Art-Decor ở Đồng Khởi (Catinat), một kiến trúc rất đẹp, và đã có nhiều người nổi tiếng như mật thám Bazin hay nhà văn điệp viên Greene cư ngụ. Khi tòa nhà ấy bị đập đi, tôi viết thư cho cô bạn và nói: “Cũng chả nên tiếc nuối hay đau lòng, bởi thành phố này, đất nước này không phải của mình, mà là của chúng nó”.
Cô ấy viết thư trả lời: “Nhưng mà, mỗi khi anh dẫn bạn bè anh đi chơi, anh vẫn phải nói đây là “my city, my country.”
Vậy thì đất nước này ai xây dựng đây. Đất nước này là của các ông các bà cả, không phải của chúng tôi. Sao lại hỏi chúng tôi, nhất là hỏi những người đã ra đi, rằng ai phải xây dựng đất nước.
Đất nước không phải của mình. Nhưng nếu rủi thay, bị xâm lược, bị mất nước thì sao.
Liệu những công dân hạng B, hạng C, có thể bị “mất” một đất nước không thuộc “sở hữu của mình” không?
Sách giáo khoa và quan điểm chính thống vẫn nói nhà Trần có công đánh giặc Nguyên, cứu nước. Nhà Trần yêu nước, tài giỏi, tiến hành tới ba cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Tôi từ lâu hơi nghi ngờ chuyện này. Nhà Trần rõ ràng không lập quốc. Họ sở hữu đất nước bằng cách lấy của nhà Lý thông qua một cuộc đảo chính cung đình và sau đó là thanh trừng rất tàn bạo. Khi bị quân phương bắc xâm lược, đọc Hịch Tướng Sĩ, rõ ràng nhà Trần phát động chiến tranh chỉ để bảo vệ chế độ. Họ đang có tất cả, từ quyền đến tiền đến địa vị trong tay, nếu bị xâm lược, họ mất tất. Để phát động cuộc chiến tranh vệ quốc, họ đã khôn khéo buộc lợi ích khổng lồ của chế độ vào lợi ích bé tí của người dân. “Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi”.
Nếu để ý, cách đây gần 10 năm, dân gian ở HN cũng có nói: “Theo Mỹ thì mất chế độ, còn nước. Theo Tàu thì mất nước còn chế độ.”
Nhiều khi cứ tưởng nước còn đấy, mà mất rồi. Ta không thể mất cái ta không sở hữu. Nhưng ta có thể ảo tưởng mình đang giữ cái không phải của mình, mà cái không phải của mình ấy, có thể cũng mất lâu rồi.
Có những lúc máy tính tắt, nằm xuống sàn nhà, chợt nghĩ đến chuyện mất nước.
Liền giật mình ngồi dậy, ra vòi nước vặn thử.
Nước vẫn còn. Điện mất.
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét