Vị trí của Việt Nam trong khung cảnh thế giới
Thứ Ba, 10 tháng 1, 2017
Bốn điểm trên đây minh định vị trí của nước chúng ta trong thế giới ngày nay vừa trong lĩnh vực địa dư vừa trong lĩnh vực tiến hóa chung của nhân loại. Vì vậy cho nên, cùng với những điều kiện nội bộ riêng cho Việt Nam mà chúng ta sẽ thấy sau này, các điểm này chi phối mọi đường lối chính trị của chúng ta trong ít lắm là vài Thế Kỷ.
Do đó, việc phân tích từng điểm một, bốn điểm trên đây là một việc thiết yếu. Việt Nam là một nước nhỏ và kém mở mang. Vị trí quốc tế của Việt Nam do các điểm dưới đây minh định:
1. Việt Nam là một nước nhỏ và kém mở mang.
2. Theo truyền thống văn hóa, Việt Nam thuộc vào xã hội Đông Á.
3. Việt Nam thuộc vào khối các nước Á Châu vừa thoát khỏi ách thực dân đế
quốc.
4. Việt Nam đang cần phải Tây Phương Hóa như tất cả các nước không thuộc khối Tây phương để: Một là tồn tại, bảo vệ độc lập, hai là để phát triển đời sống kinh tế hầu xây dựng hạnh phúc cho nhân dân.
Mục đích của những trang nhận định này không phải để xách động quần chúng, nên không phải chỗ để ca ngợi sự nghiệp mấy ngàn năm văn hiến của tổ tiên chúng ta và cũng không phải chỗ để cho chúng ta hãnh diện với những trang sử oanh liệt của người xưa. Những người có trách nhiệm với tiền đồ Dân Tộc không thể tự ru ngủ trên dĩ vãng, mặc dầu dĩ vãng đó thật có là anh hùng đi nữa.
Trái lại, một nhận định khách quan rất cần thiết cho những người lãnh đạo, nếu họ muốn tránh những sơ xuất có hại cho tương lai của một Dân Tộc. Tự ti mặc cảm khi nhìn thấy nước nhà yếu và kém không phải là tâm trạng của những kẻ quật cường. Trên quan điểm đó chúng ta phải nhìn nhận rằng trong thế giới ngày nay nước chúng ta là một nước nhỏ và Dân Tộc chúng ta là một Dân Tộc kém mở mang. Chẳng những thế, trong suốt mấy nghìn năm lịch sử, chưa lúc nào Dân Tộc chúng ta đã đạt lên được mức một văn minh chiếu sáng.
Vì vậy chúng ta còn ở vào tình trạng thụ hưởng hơn là tình trạng góp phần vào văn minh nhân loại. Tuy nhiên, dĩ vãng của chúng ta cho phép chúng ta tin rằng Dân Tộc có một năng lực tiềm tàng khả dĩ trong một tương lai rất ngắn đưa chúng ta thoát khỏi tình trạng thứ nhứt để vào tình trạng thứ hai. Đó là mục đích và lý do của cuộc tranh đấu hiện tại của chúng ta. Bởi vì theo luật quân bình, người thụ hưởng bao giờ cũng đứng sau người đóng góp, và trong thực tế mức sống của người thụ hưởng phải kém mức sống của người đóng góp. Và tranh đấu để thoát khỏi tình trạng kém mở mang có nghĩa là vừa tranh thủ một mức sống cao hơn cho Dân Tộc, và cũng có nghĩa là sẵn sàng lãnh trách nhiệm đóng góp vào văn minh thế giới.
Như vậy đối với chúng ta nỗ lực để thoát khỏi tình trạng kém mở mang có thể hình dung bằng một sự cố gắng để vượt qua lằn mức ranh giới giữa tình trạng thụ hưởng và tình trạng đóng góp. So sánh với các nước kỹ nghệ mở mang ngày nay, nước Việt Nam chúng ta nhỏ vì đất đai không rộng, dân số ít và thiên sản không phong phú.
So sánh với các khối kinh tế vĩ đại như Nga Sô, Trung Cộng, Ấn Độ, Mỹ quốc và khối Âu Châu đang thành hình, chúng ta lại còn không đáng kể vào đâu nữa.
Trên phương diện quân sự, những kỹ thuật nguyên tử tối tân với sức tàn phá mãnh liệt có thể làm giảm đi yếu tố đông dân và tức nhiên số lượng quân đội cao không còn ảnh hưởng nặng nề trên sự thắng bại. Tuy nhiên, lên đến một mức độ nào đó, ví dụ lên đến khối dân số Trung Cộng, yếu tố dân đông vẫn còn là một yếu tố đáng kể.
Vì vậy mà trong trường hợp của chúng ta, nếu chúng ta khắc phục được những kỹ thuật nguyên tử, thì cái họa xâm lăng đối với chúng ta chỉ có giảm chớ không có chấm dứt.
Trên phương diện kinh tế, yếu tố đông dân đối với kỹ thuật sản xuất đại qui mô của cơ khí là một yếu tố quyết định. Dân càng đông thị trường càng mạnh. Có một mức tiêu thụ tối thiểu trong mỗi ngành kỹ nghệ, dưới mức đó sự sản xuất kỹ nghệ không thể thực hiện với các điều kiện thuận lợi. Nhưng thị trường tiêu thụ càng lớn lại là một động cơ thúc đẩy kỹ nghệ càng nảy nở, càng trưởng thành, càng phát triển vì giá sản xuất càng nhẹ và mức lời càng lớn. Đó là lý do tranh giành thị trường trong Thế Kỷ vừa qua và hiện nay.
Như vậy nếu dân số ta ít thì điều kiện nảy nở của kỹ nghệ chúng ta rất kém và sự cạnh tranh với khối kinh tế bên ngoài là một điều mà chúng ta không thể đương đầu nổi.
Trên phương diện văn hóa, việc dân số ít là một trở lực to tát. Ngôn ngữ của chúng ta chỉ được một thiểu số sử dụng. Những sáng tác bằng Việt Ngữ, ví dụ mà thật sự có giá trị thế giới đi nữa thì không có mấy người biết đến giá trị đó vì chuyển ngữ của chúng ta không được nhiều người biết. Chỉ nghĩ đến việc một tác phẩm bằng Anh ngữ hay Hoa Ngữ có thể phổ biến ngay cho khắp thế giới thì đủ thấy cái mãnh lực của sự đông dân như thế nào. Trong một khối người to lớn như vậy có thể trao đổi tư tưởng với nhau chỉ vì chuyển ngữ của họ được nhiều người sử dụng. Dân Tộc chúng ta chỉ vì dân số ít, phải ở ngoài vòng tư tưởng trên trừ ra một số người biết ngoại ngữ. Dân số ít lại còn là một trở lực trong công cuộc phát triển như chúng ta sẽ thấy dưới đây.
Trong khuôn khổ thế giới ngày nay, một Dân Tộc kém mở mang là một Dân Tộc có một tình trạng ứng vào các điều kiện dưới đây:
1. Thiếu kỹ thuật và phương tiện kỹ thuật sản xuất.
2. Do đó lợi tức quốc gia thấp kém.
3. Do đó mức sống của toàn dân thấp và thiếu.
4. Sự mưu sống hằng ngày chiếm hết thời gian và năng lực, đời sống văn hóa
không mở mang.
5. Sự sáng tác kém giá trị và sự góp phần vào văn minh của nhân loại không có.
Trình bày như trên đây, ta nhận thấy rằng điều kiện thứ nhứt là nguyên nhân của điều kiện thứ hai và cả hai là nguyên nhân của điều kiện thứ ba và ba điều kiện đầu lại là nguyên nhân của điều kiện thứ tư, vân vân...Và như vậy nguyên nhân chính và trước tiên của sự kém mở mang là thiếu kỹ thuật và thiếu phương tiện kỹ thuật sản xuất.
Nhưng muốn có đủ kỹ thuật, nghĩa là máy móc sản xuất thì phải có được một trình độ văn hóa khá cao cho toàn dân, và phải có lợi tức dồi dào để mua dụng cụ máy móc. Như thế các điều kiện ảnh hưởng tương phối nhau làm thành một cái vòng lẩn quẩn. Đưa Dân Tộc lên đường phát triển có nghĩa là bẻ gẫy cái vòng luẩn quẩn đó.
Vì thế cho nên các phương pháp phát triển đề nghị hay mang ra thực hiện ngày nay trong các nước trên thế giới, kể cả phương pháp cộng sản, chung qui chỉ là một phương pháp bẻ gãy cái vòng lẩn quẩn nói trên. Và dưới đây chúng ta sẽ có dịp trở lại, một cách chi tiết hơn, vấn đề cốt yếu này. Nay chỉ nhận xét thêm là các điều kiện trên cho chúng ta thấy rằng, công cuộc phát triển không phải là một công trình mà một nhóm người hay một thiểu số có thể thực hiện được. Chỉ toàn dân hay là đại đa số cùng quyết tâm đứng lên mới có thế đạt đến kết quả. Đây là một yếu tố quyết định, nó sẽ chi phối nặng nề các sự lựa chọn đường lối sau này.
Điều thứ hai cần phải nêu lên là cái vốn duy nhất có thể dùng ngay được của các nước kém mở mang là công nhân. Vì vậy mà dân số đông lại là một lợi khí cho công cuộc phát triển, theo một phương pháp lao công cưỡng bách. Yếu tố này cũng là quyết định đối với sự lựa chọn đường lối sau này.
Nguồn: CĐVN
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét