Brexit của trí thức?
Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017
Với Brexit và kết quả của bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, có vẻ như khả năng ảnh hưởng lên xã hội của cả giới trí thức lẫn giới truyền thông đều đang bị suy giảm. Ít nhất, phe được các giới này ủng hộ đều đã không giành phần thắng.
Sự suy giảm vai trò của giới truyền thông là hoàn toàn có thể giải thích được: giới này quả thực đang bị mạng xã hội và truyền thông phi chính thức lấn lướt. Thế nhưng sự suy giảm vai trò của giới trí thức thì sao? Ngày xuân, “rượu vào, lời ra”, xin thử lạm bàn về hiện tượng này.
Trí thức chính là lực lượng dẫn dắt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, được hình thành trên nền tảng cải tiến của cuộc cách mạng số.
.
Trước hết, trí thức được coi là những người làm việc trong các lĩnh vực lao động tinh thần phức tạp có chức năng phản biện, định hướng và dẫn dắt sự định hình văn hóa và chính trị của một đất nước. Với định nghĩa trên, thì giới truyền thông là một phần cấu thành của giới trí thức. Vậy thì hiệu ứng giá dầu đã xảy ra ở đây. Giá dầu giảm xuống kéo chi phí giao thông giảm theo, vai trò của truyền thông giảm xuống kéo vai trò của trí thức giảm theo.
Ngoài ra, những tư tưởng dù có sức lôi cuốn bao nhiêu, những nghiên cứu dù có sức thuyết phục bao nhiêu, thì nhiều khi đều giống như hoa nở trong rừng thẳm chẳng mấy ai biết tới. Giới trí thức vì vậy phụ thuộc rất nhiều vào giới truyền thông để tư tưởng của họ, nghiên cứu của họ được phổ biến trong xã hội. Với sự phụ thuộc này, người ta ít nghe truyền thông hơn, thì cũng có nghĩa là người ta ít nghe trí thức hơn. Cái sự vạ lây như vậy tạo ra duyên quan họ “em xinh, em đứng một mình cũng xinh”, nhưng ít tạo ra khả năng tác động và ảnh hưởng.
Thứ hai, trí thức thường có xu hướng ủng hộ cái đúng đắn. Cái đúng đắn, rất tiếc, không phải bao giờ cũng giữ vai trò chủ lưu trong xã hội. Chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy có vẻ không phải là những thứ được giới trí thức đánh giá cao. Thế nhưng, đây là những thứ đang tác động rất mạnh đến lá phiếu của cử tri. Và các nhà chính trị hoặc là cảm nhận được xu thế, hoặc là chủ động khuấy đảo những thứ âm binh này lên đã được hưởng lợi ngoạn mục.
Điều đáng nói ở đây là: cái họ được hưởng lợi thì đã rõ, nhưng khả năng của họ khống chế những thứ âm binh đã được gọi lên thì quả thực là chưa rõ. Âm binh nhiều khi gọi lên thì dễ, nhưng khống chế được chúng thật không dễ. Mà không khống chế được thì cái giá phải trả chưa biết sẽ lớn đến chừng nào. Lịch sử của chiến tranh, của khủng hoảng trên thế giới cho chúng ta thấy rất rõ điều này.
Thứ ba, thúc đẩy toàn cầu hóa, thúc đẩy tự do thương mại, giới trí thức, đặc biệt là những trí thức trẻ, đã không hiểu hết nỗi lo và tâm trạng bất an của tầng lớp lao động bình dân và những người lao động lớn tuổi. Toàn cầu hóa tạo ra nhiều cơ hội, nhưng, rất tiếc, những cơ hội này không được chia đều cho tất cả mọi người. Những người trẻ tuổi, được đào tạo cơ bản dễ dàng tìm việc làm, dễ dàng hòa nhập vào cuộc sống mới ở khắp mọi nơi trên hành tinh. Muôn vàn cơ hội đang được mở ra cho họ. Ngược lại, những người lao động phổ thông, những người lao động đã lớn tuổi, về cơ bản, đang bị bỏ lại phía sau.
Công ăn, việc làm đối với họ ngày một khó khăn hơn; tương lai đối với họ ngày một ít chắc chắn hơn. Người no không hiểu được lòng kẻ đói. Những tư tưởng và giá trị được giới trí thức cổ vũ vì vậy trở thành những thứ gì đó xa lạ, không đáng tin cậy đối với tầng lớp dân cư này. Khả năng ảnh hưởng của giới trí thức đối với họ vì vậy cũng bị suy giảm nghiêm trọng. Kết quả là các nhà chính trị nghe theo giới trí thức cổ vũ cho toàn cầu hóa, cho tự do thương mại đã lần lượt thua cuộc. Các nhà chính trị hiểu được nỗi lo của tầng lớp lao động bình dân, lao động lớn tuổi đã giành phần thắng.
Những phân tích trên cho thấy, nói vai trò của giới trí thức suy giảm không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, suy giảm trong các cuộc tranh chấp chính trị và suy giảm trong cuộc sống thực là hai chuyện khác nhau. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra không chỉ như một thành tựu, mà còn như một định mệnh của xã hội loài người. Với công nghệ in 3D, internet của vạn vật, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo…, loài người đang bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Trong giai đoạn này không chỉ cách thức sản xuất, kinh doanh sẽ thay đổi đến chóng mặt, mà thay đổi theo còn là tất cả mọi mặt đời sống của xã hội loài người. Ai sẽ là lực lượng dẫn dắt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này nếu không phải là trí thức? Ai sẽ phải đưa ra các tư tưởng, các giải pháp để đổi mới sản xuất, kinh doanh, để hoàn thiện các thể chế của xã hội loài người nếu không phải là trí thức?
Vâng, trí thức sẽ là lực lượng trung tâm cho thời kỳ phát triển mới. Và những gì đúng cho thế giới thì cũng sẽ đúng cho Việt Nam ta. Thách thức to lớn ở đây là: tự coi mình là trí thức thì dễ, thấy hết được tất cả các cơ hội và những thách thức to lớn mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra cho đất nước ta thì không dễ. Không dễ hơn nữa là thấy được cách thức, hệ thống chính sách-pháp luật có thể bảo đảm thành công cho đất nước.
Bài liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét